Có Đức mặc sức mà ăn ( Phần 1)

CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ ĂN (PHẦN 1)
 
      Các bậc quân vương xưa kia dù có hùng mạnh đến đâu cũng đều có điểm yếu là “cái chết”. Khi đã chết sức ảnh hưởng của họ không còn nữa và họ rất lo sợ điều đó.
 
      Các vị tiên tri và hiền triết Ấn Độ đã trả lời câu hỏi “điều gì xảy ra với con người sau khi chết” xuất chúng: CON NGƯỜI KHÔNG CHẾT, không theo nghĩa chấm dứt tồn tại hoàn toàn hay đi tiếp đến một sạng sống khác vượt ngoài cái chết. “Con người sẽ chỉ quay lại Trái đất ở một dạng sống khác do “nghiệp” của họ chi phối. Và nó có thể không phải là con người. Toàn thể sự sống như là một nhà máy tái chế vĩ đại, chất lượng của cái đi qua cửa TỬ sẽ ảnh hưởng đến địa vị của cái thoát ra từ cửa TÁI SINH bên kia. Tên của nhà máy này là VÒNG LUÂN HỒI, tức là lang thang trôi nổi, vì các linh hồn cứ nương theo đó mà đến hình hài kế tiếp và tiếp nữa. Từng hành động trong kiếp này, cả tốt và xấu, cứ thế tác động đến chất lượng sống kế tiếp. Không chỉ có con người mới mắc kẹt vòng luân hồi, bản thân thế giới cũng theo quy luật chết và tái sinh như thế. Ở cuối vòng luân hồi hiện tại sẽ là một trạng thái ngơi nghỉ tĩnh lặng để rồi đến lúc chín muồi, linh hồn lại được triệu hồi vào cuộc hiện sinh. Cứ vậy mà bánh xe luân hồi cứ xoay, xoay và xoay thêm nữa.” [1, tr24}
       Quan điểm trên cho rằng chất lượng sống của con người trong cuộc đời này bị chi phối bởi quy luật nhân – quả (kiếp trước) nên mọi người đều mong muốn rằng chúng ta hành động thật tốt ở kiếp này để được chất lượng sống tốt hơn ở kiếp sau, hoặc nếu kiếp này chúng ta gặp quá nhiều đau khổ thì mọi người luôn ao ước rằng mình có khả năng đi ngược thời gian để có thể xóa đi một hành động hay kiềm chế một cơn thịnh nộ đã hây cho người khác tổn thương khiến ta phải đau khổ kiếp này.
 
      Hindu giáo gọi đó là NGHIỆP (karma) hay là luật và nghiệp báo. Theo Hindu giáo, linh hồn hay thể tâm linh của bạn trải qua nhiều kiếp (vô lượng kiếp) trong quá khứ trước khi bạn đi vào cuộc đời hiện sinh này. Và bạn sẽ còn sống nhiều kiếp tiếp nữa trong tương lai sau khi kiếp này kết thúc. Mỗi kiếp đó là do những điều bạn đã làm trong kiếp trước và trước nữa, ngược về xa xưa, quyết định. Như vậy, cách bạn đang hành xử hiện đại sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống bạn sẽ trải qua ở kiếp kế tiếp.
 
      Làm thế nào để thoát khỏi vòng quay vô tận của luân hồi và đạt đến sự cứu rỗi? (theo Hindu giáo, linh hồn trải qua lần lượt TÁM TRIỆU KIẾP khác nhau)
 
      Hindu giáo ra đời cách đây gần 3500 năm, là giáo phái ảnh hưởng lớn nhất của Ấn Độ (khoảng 80% dân số Ấn Độ hiện nay theo Hindu giáo).
 
      Vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, một người đàn ông đã đau đáu nhìn vào giáo thuyết Hindu giáo về những kiếp đầu thai vô tận. Ngài tự hỏi điều gì đã trói buộc linh hồn vào bánh xe luân hồi đó, tên ngài là Siddhartha Gautama (Tất – đạt – đa Cồ – đàm), chào đời khoảng năm 580 TCN, xuất thân từ hàng Sát đế ly, đẳng cấp của những vị vua chúa và những chiến binh, vùng Đông Bắc Ấn.
 
Siddhartha đã chứng kiến nỗi đau của bệnh tật, tuổi già và cái chết. Ngài tự hỏi: “Điều gì là nguyên nhân của mọi đau khổ này?”. Ngài đã học kinh Vệ Đà nhưng tất cả những gì kinh dó nói là quy luật của cuộc đời, là NGHIỆP BÁO.
 
      Sau đó, Ngài nhận ra nguyên nhân của khổ đau của con người chính là HAM MUỐN. Đàn ông đàn bà không bao giờ bằng lòng với những gì mình có, chẳng bao giờ bình an. Họ thèm khát cái họ không có. Rồi ngay khi có được điều họ từng ham muốn, một cơn thèm khát nữa lại thế chỗ. Ham muốn giống như một căn bệnh đày đọa mọi người sinh ra trên đời và không ai thoát khỏi sự cưỡng bách của nó.
 
      Ngài nhận ra chính ham muốn loại bỏ ham muốn và vật cản ngăn ngài đến giác ngộ. Ngài chứng ngộ rằng “Không còn đầu thai; ta đã sống ở cảnh giới cao nhất; nhiệm vụ ta đã xong; với ta; giờ không còn gì hơn là những thứ ta đã đạt được”. Vòng quay của luân hồi chuyển kiếp đã kết thúc với Ngài và Ngài đã trở thành Đức Phật.
       Trong kinh Chuyển Pháp Luân, ngài đặt lại câu hỏi từng khiến Ngài day dứt từ khi rời bỏ gia đình đi tìm giác ngộ: Chúng ta vốn bị những ham muốn trói buộc vào vòng quay luân hồi; vậy điều gì sẽ chấm dứt được vòng quay ấy?
 
      Câu trả lời của Ngài về con đường giải thoát là con đường trung dung giữa các cực đoan mà ngài gọi là TRUNG ĐẠO. “Có hai cực đoan, này các tỳ kheo, người mà xuất gia không nên hành trì. Một là đắm mình vào dục lạc, thấp hèn…không ích lợi. Hai là sống đời khổ hạnh, ép xác; như vậy là khổ đau…và cũng không ích lợi. Bằng cách tránh cả hai cực đoan này, ta tìm ra TRUNG ĐẠO chính là con đường đưa đến GIÁC NGỘ” [1;tr41]. Còn các biển chỉ dẫn đến TRUNG ĐẠO chính là TỨ DIỆU ĐẾ, hay Bốn Chân Lý: ĐỜI LÀ BỂ KHỔ; nguyên nhân của khổ là các ham muốn, ham muốn có thể loại trừ; con đường loại trừ đó là thực hành BÁT CHÁNH ĐẠO.
 
      Như vậy, Đức Phật là con người thực tế, một người của hành động. Điểm mấu chốt của thực hành hiệu quả là thông qua thiền định kiểm soát tâm thức không ngừng ham muốn. Thiền định sẽ trải qua các tầng tâm thức khác nhau cho đến khi đạt đến trạng thái tĩnh lặng có thể giảm bớt ham muốn.
 
      Không những thế, Đức Phật là người chủ trương bình đẳng, đối lập với Hindu giáo phân chia xã hội 4 đẳng cấp khác nhau.
 
      Việt Nam là quốc gia ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo và Nho giáo. Ngày nay trong thời đại hội nhập với nền văn minh phương Tây, tư tưởng nho giáo thoái trào nhưng tư tưởng Phật giáo luôn được củng cố và phát triển. Tư tưởng Phật giáo kế thừa 2 vấn đề cốt lõi của Hindu giáo là VÒNG LUÂN HỒI và NGHIỆP. Con người phải hành thiện tích “ĐỨC” để kiếp sau có một kết quả tươi sáng hơn kiếp hiện sinh. Muốn tích ĐỨC phải hành thiện. Nghiệp có cả nghiệp tốt và nghiệp xấu, hạn chế nghiệp xấu, phát triển nghiệp tốt là mục đích của mỗi chúng ta. Để tạo nghiệp tốt thông qua con đường làm PHÚC (phước) – làm cho người khác có lợi (giúp đỡ, bố thí, cho lời khuyên tốt…)
 
      Câu phú: “CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ ĂN” là sự khuyên con người hãy làm những điều thiện, mọi thứ tốt đẹp sẽ đến. Chúng ta thường nghe câu nói này rất nhiều lần, rất nhiều nơi, ở rất nhiều người.
 
      Có khi nào bạn nghĩ lại rằng: TẠI SAO CHÚNG TA GIẢNG DẠY VỀ CHỮ ĐỨC rất nhiều nhưng xã hội chúng ta lại toàn bọn đạo đức giả; việc giàu có không thấy đâu (đất nước trải qua 4000 năm lịch sử rồi), lại bị nhiều nước khác vượt mặt.
 
       Xã hội rất nhiều điều giả dối lên ngôi, từ đạo đức giả đến trí thức giả, hàng giả, thực phẩm bẩn…
 
      Như vậy câu phú: CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ ĂN đã được thực tiễn kiểm nghiệm là không đúng mà làm cho xã hội có tác dụng ngược. Vậy, điều gì làm cho bạn trở nên giàu có và hạnh phúc?. (còn tiếp)
 
Tài liệu tham khảo:
1. Richard Holloway: “Lược sử tôn giáo”, NXB Thế giới, 2019
2. Fukuzawa Yukichi: “Bàn về văn minh”, NXB Thế giới, 2019
3. Will Durant: “Lịch sử văn minh Ấn Độ”.NXB Hồng Đức, 2018
4. Nguyễn Văn Tuấn: “Đi vào nghiên cứu khoa học”, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2015
 
ThS. Lê Văn Thông
(Nhà nghiên cứu Dịch lý – Phong Thủy)
Gọi ngay