Văn hóa khoa học

VĂN HÓA KHOA HỌC

Văn hóa khoa học bao gồm những quy ước, giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy trong quá trình tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên. Văn hóa khoa học có các đặc điểm:

Thứ nhất là: THÓI QUEN ĐẶT CÂU HỎI.

Đứng trước sự kiện hay sự vật, người có văn hóa khoa học phải đặt câu hỏi tại sao, đào sâu suy nghĩ và từ đó phát hiện vấn đề. Một khi đã phát hiện vấn đề thì giải pháp để giải quyết cũng có thể theo sau. Chính vì thế mà có người nói trong khoa học, biết được câu hỏi, biết được vấn đề cũng có ý nghĩa là thành công 50% trong nghiên cứu.

Kỹ năng phát hiện vấn đề được hệ thống giáo dục phương Tây đặc biệt chú trọng ngay từ bậc tiểu học: Ngay từ lúc mới vào học, học sinh đã được khuyến khích tự mình nghiên cứu thế giới chung quanh, đặt câu hỏi và tranh luận trước lớp học. Trong khi ở Việt Nam, phương pháp giáo dục phổ thông đòi hỏi học sinh phải nhồi nhét một số kiến thức cơ bản và giải quyết những vấn đề theo một công thức đã định sẵn, nhưng không khuyến khích cách đặt vấn đề và phát hiện vấn đề.

Một điểm đáng chú ý khác là giáo dục Việt Nam một cách vô hình đã đặt người học sinh và sinh viên vào một vị trí học thuật khiêm tốn. Tôn ti trật tự học thuật đó đòi hỏi người học sinh và sinh viên phải biết mình đang ở vị trí không có quyền đặt vấn đề, không có quyền tranh luận. Hệ quả là chưa lên tiếng đã bị phê bình ngay “con nít mới học vài ba chữ biết gì mà nói” hay “không biết dựa cột mà nghe”, thậm chí “hỗn với thầy cô”. Thái độ như thế làm thui chột khả năng phát hiện vấn đề và suy giảm sự tự tin của học sinh.

Thứ hai là: NÓI CÓ SÁCH MÁCH CÓ CHỨNG

Kiến thức mang tính kế thừa từ đời này sang đời khác. Thành ra đối với người có tinh thần khoa học nghiêm túc, phát biểu phải có sơ sở và tài liệu tham khảo là điều đương nhiên….Ở Việt Nam, văn hóa “nói có sách mách có chứng” này chưa được chấp nhận rộng rãi…

Cần phải nói thêm rằng “nói có sách mách có chứng” có nghĩa là dựa vào tài liệu tham khảo gốc mà người phát biểu có trong tay, tận mắt nhìn thấy và từng đọc qua. Nếu không như vậy thì có thể dẫn lại từ người khác (hẳn nhiên phải đáng tin cậy) và phải ghi rõ điều này. Trong khá nhiều bài báo nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, nhiều tác giả có xu hướng trích dẫn tài liệu theo những bài bá khác mà không buồn ghi xuất xứ.

Thứ ba là: TÔN TRỌNG SỰ THẬT KHÁCH QUAN.

Khoa học dựa vào những sự thật có thể thấy, có thể nghe, có thể sờ được chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. ĐIỀU QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT TRONG KHOA HỌC LÀ KHÔNG CHỈ SỰ THẬT, MÀ LÀ SỰ THẬT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ ĐANG ĐƯỢC ĐIỀU TRA. Những sự thật này phải được thu thập: (i) có tổ chức, trực tiếp và khách quan; (ii) độc lập với lý thuyết; và (iii) một cách tin cậy để làm nền tảng cho suy luận.

Thứ tư là: LÀM VIỆC VÀ THỰC HÀNH DỰA VÀO BẰNG CHỨNG KHÁCH QUAN.

Trong khoa học, niềm tin và kinh nghiệm cá nhân không thể xem là khách quan và không thể là nền tảng để hành động nếu những kinh nghiệm đó chưa qua thử nghiệm khách quan.

Người Việt còn quá quen với thói quan phát biểu theo kinh nghiệm cá nhân, niềm tin, thậm chí theo cảm tính.

Thứ năm là: HỆ THỐNG HÓA NHỮNG GÌ MÌNH BIẾT, KHÔNG GIẤU GIẾM.

Trong hoạt động khoa học, tất cả những giả thuyết, phương pháp nghiên cứu, phương pháp phân tích, kết quả và ý nghĩa của kết quả phải được hệ thống hóa trong một báo cáo khoa học và công bố cho thế giới biết. Đặc điểm “văn hóa mở” này rất quan trọng và có lẽ là một yếu tố thúc đẩy phát triển khoa học ở các nước phương Tây.

Ở Việt Nam, “văn hóa giấu nghề” hình như vẫn tồn tại trong không ít nhà khoa học. Những câu chuyện về giáo sư cố tình không truyền hết kỹ năng cho sinh viên và nghiên cứu sinh ở nước ta đối khi nghe qua rất khôi hài, nhưng tiếc là lại thực tế.

Thứ sáu là: DÂN CHỦ.

Hoạt động khoa học là một môi trường DÂN CHỦ, hiểu theo nghĩa tất cả các phát kiến của nhà khoa học đều được đồng nghiệp bình duyệt nghiêm túc, và ngược lại, nhà khoa học cũng có cơ hội bình duyệt các nghiên cứu của đồng nghiệp mình.

Tinh thần dân chủ khoa học còn có nghĩa là các nhà khoa học lớn và có kinh nghiệm phải lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học trẻ, chứ không phải tình trạng “cây đa cây đề” dùng uy tín cá nhân để lấn ép đồng nghiệp trẻ.

Tinh thần DÂN CHỦ này chưa thể hiện rõ ở Việt Nam vì vẫn còn nhiều giáo sư lâu năm tự cho mình cái quyền “lên lớp” giới trẻ mà không chịu lắng nghe hay đánh giá thấp ý kiến của giới trẻ. Có nhiều vị không chịu tiếp cận một cái nhìn mới về một vấn đề cũ mà hệ quả là các trao đổi chỉ có một chiều làm cho hoạt động khoa học mất hào hứng và tất nhiên là thiếu dân chủ.

Thứ bảy là: KẾ THỪA.

Không có kế thừa, khoa học sẽ đi vào bế tắc rất nhanh. Ở các nước phương Tây, người ta có những kế hoạch cụ thể, kể cả lập ra những ngân sách đặc biệt để nuôi dưỡng thế hệ nghiên cứu khoa học trẻ, những người đã có học vị tiến sĩ và đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ. Ngân sách này được phân phối cho các trung tâm nghiên cứu có điều kiện và cơ sở vật chất sử dụng các nhiên cứu sinh hậu tiến sĩ và từng bước đào tạo họ thành những nhà nghiên cứu độc lập, những con chim đầu đàn. Ngoài ra, trong các hội nghị quốc gia, những “cây đa cây đề” thậm chí nhường những chức vụ và vai trò quan trọng cho giới trẻ đảm trách để chuẩn bị cho một tương lai kế thừa sự nghiệp của những người đang sắp hưu.

Ở VIệt Nam, việc chuẩn bị cho thế hệ kế tiếp vẫn là một… Ý NGUYỆN. Nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản từ trong và ngoài nước vẫn chỉ là cái bóng bên cạnh các “cây đa cây đề”, chưa được giao những trọng trách. Có người chờ mòn mỏi và không đủ kiên nhẫn nên đành phải tìm ra nước ngoài và khả năng quay về nước thật thấp.

Thứ tám là: TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI.

Bản chất của nghiên cứu khoa học là nhân đạo và vì thế hoạt động khoa học phải có trách nhiệm với xã hội. Người làm khoa học nói cho cùng, cũng là một thành viên trong xã hội, chứ không thể nào đứng ngoai2hay đứng cao hơn xã hội. Nhà khoa học phải thông qua cơ chế dân chủ để truyền đạt tri thúc, để có tiếng nói. Không thông qua cơ chế này là biểu hiện của sụ kiêu ngạo

 

Theo GS. Nguyễn Văn Tuấn

Gọi ngay